Phản ứng Vụ ngộ độc pa tê Minh Chay

Chính quyền

Sau công bố của VFA, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội[108]Thành phố Hồ Chí Minh[109] đã ra công điện hỏa tốc tới các sở, Ủy ban nhân dân quận, huyện để xác minh, thu hồi sản phẩm và cảnh báo người tiêu dùng. Cũng vào chiều ngày 31 tháng 8, NAFIQAD gửi công văn đến các sở trên cả nước và Ban quản lý an toàn thực phẩm ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bắc Ninh phối hợp thu hồi sản phẩm pa tê Minh Chay, kiểm tra những cơ sở sản xuất mà Cục cấp phép.[110][111] NAFIQAD Hà Nội cũng công bố đường dây nóng để thu hồi sản phẩm.[112][113] Bộ Công thương đã chỉ đạo Cục quản lý thị trường các tỉnh thành kiểm tra, thu hồi sản phẩm.[114]

Vào ngày 27 tháng 8 năm 2020, Cục quản lý thị trường Hà Nội đến kiểm tra cơ sở sản xuất công ty và lập hồ sơ đề nghị chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh xử lý vi phạm hành chính cơ sở liên quan đến nhãn hàng hóa cùng điều kiện an toàn thực phẩm và đến ngày 28 tháng 8, bên cạnh Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, gửi công văn tới các đội quản lý thị trường tham gia rà soát, thu hồi sản phẩm pa tê Minh Chay.[5] Cùng trong ngày 27 tháng 8, Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh đã xử phạt cơ sở sản xuất 17,5 triệu đồng do không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với ba lỗi vi phạm hành chính.[38][115] Công ty cũng phải chịu trách nhiệm chi trả chi phí liên quan cho các cơ quan chức năng đã thu hồi, điều tra và lưu giữ sản phẩm, cũng như phí bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng sử dụng sản phẩm công ty.[68]

Ba bộ ngành quản lý công ty (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và Bộ Công Thương) trước sự việc đã có những ý kiến mâu thuẫn với nhau về trách nhiệm của các bên. Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4 tháng 9 năm 2020, cả Thứ trưởng Bộ Y tế và Bộ Công Thương đều nói rằng sản phẩm không thuộc quản lý của bộ.[4][116][117] Trả lời với báo chí, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Nguyễn Như Tiệp đã viện dẫn quy định để làm rõ nhiệm vụ của các bộ trong vụ việc, nêu rõ việc xảy ra ngộ độc thì VFA sẽ là cơ quan chủ trì và phối hợp với các ban ngành khác để xứ lý, nói rằng "có tham gia đoàn nhưng đầu mối, thông tin là bên Sở Y tế [Hà Nội] chủ trì"; ông cũng cho rằng bên có trách nhiệm quan trọng nhất trong vụ này, bên cạnh công ty sản xuất,[118] là Ủy ban nhân dân các cấp chứ "không thể làm thay".[4][39] Dưới cấp sở, trong khi Sở Công Thương Hà Nội trả lời rằng vụ việc này không thuộc trách nhiệm của mình, Cục phó DMS Hà Nội lại nhận lực lượng quản lý thị trường cũng "có phần trách nhiệm", nhưng vẫn cho rằng trách nhiệm cấp phép cơ sở sản xuất là thuộc về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.[4] Giám đốc NAFIQAD Hà Nội Chu Phú Mỹ thì trả lời rằng Sở Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm vấn đề về an toàn, vệ sinh thực phẩm.[119] Tuy nhiên, cục trưởng Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội thuộc Sở Y tế thành phố đã nói rõ việc cấp giấy chứng nhận và tiếp nhận các công bố sản phẩm là do NAFIQAD làm, còn việc lấy mẫu xét nghiệm thì do VFA phụ trách.[120]

Câu hỏi về trách nhiệm Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, cơ quan cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho cơ sở sản xuất, đã được đặt ra.[121][122] NAFIQAD Hà Nội khẳng định công tác kiểm tra, lấy mẫu giám sát được thực hiện theo đúng quy định của bộ. Trước đó vào ngày 25 tháng 5 năm 2020, Cục đã lấy hai mẫu giám sát từ hai sản phẩm của công ty, trong đó có pa tê Minh Chay, để hậu kiểm chất lượng sản phẩm[122][123] và cho biết dự kiến đến tháng 9 cùng năm thì sẽ tiến hành hậu kiểm tiếp điều kiện sản xuất công ty.[124] Khi được hỏi tại sao không hậu kiểm toàn bộ 13 mẫu sản phẩm, phía NAFIQAD Hà Nội đã giải thích rằng việc kiểm tra hai trong số 13 mẫu sản phẩm là để tránh tốn kém và chỉ "nhận diện sản phẩm có yếu tố nguy cơ để phân tích", cũng như cho rằng cơ quan có trách nhiệm quản lý về mặt nhà nước đối với công ty, còn việc cơ sở để xảy ra sai phạm thì doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm về điều này và nếu kiểm tra quá nhiều lần mà không có "dấu hiệu vi phạm" thì sẽ vi phạm quy định.[121] Bên cạnh NAFIQAD Hà Nội, VFA và Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cũng vướng phải chỉ trích khi thời gian xét nghiệm kéo dài quá lâu, cho thấy thái độ "đủng đỉnh, chậm chạp", làm bỏ lỡ 9 ngày "vàng" trong khi thường thời gian trả kết quả thường hiếm khi quá một tuần.[125][126]

Trong buổi họp báo ở Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 1 tháng 9 năm 2020, trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Phạm Khánh Phong Lan cho rằng cách xử lí vụ việc của ba bộ là ví dụ điển hình của "đúng quy trình, thậm chí hơi quan liêu". Bà cũng nói rằng "tôi thà chọn cảnh báo nhầm – nghĩa là nếu có dấu hiệu thì cảnh báo, phản ứng ngay".[127] Một bài viết đăng tải trên tạp chí Giáo dục Việt Nam đã phản bác quan điểm này của bà, theo đó cho rằng những gì bà nhận định trong cách xử lý vụ việc trái ngược hoàn toàn với những thông tin trong thông cáo chung của VFA và rằng nếu làm theo cách của bà thì sẽ dẫn đến những hậu quả mà "bà Lan có lường hết được?".[128]

Tại buổi họp báo Chính phủ, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, sau khi sự việc xảy ra bộ đã giao cho Công an thành phố Hà Nội chủ trì xử lý vụ việc và tập hợp báo cáo cho đủ căn cứ khởi tố để điều tra.[129][130][131] Ngày 7 tháng 12 cùng năm, tại kỳ họp thứ 18 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương đã đề cập đến vụ việc "gây dư luận trong nhân dân" và đề nghị các cơ quan tiến hành điều tra và xử lý nghiêm minh, cũng như nâng cao công tác quản lý, tuyên truyền giáo dục để ngăn ngừa hậu quả.[132]

Công ty Lối Sống Mới

Sau sự cố này, theo yêu cầu từ VFA, công ty Lối Sống Mới đã đăng rộng rãi thông báo thu hồi các sản phẩm công ty trên trang web chính thức của mình và những nền tảng khác.[23] Công ty cũng ra tiếp một công văn khác gửi tới các cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ thu hồi sản phẩm trên diện rộng.[133] Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, giám đốc kiêm người sáng lập, đại diện pháp lý công ty, đã gửi "lời xin lỗi chân thành tới các bệnh nhân, khách hàng và người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi sự cố này", nhấn mạnh rằng đây là "sự cố ngoài mong muốn và rủi ro đáng tiếc trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp", đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ cộng đồng để giảm thiểu sự cố do nguồn lực hạn chế.[134][135][136] Ông Nguyễn Ngọc Minh, người đồng sáng lập công ty, cũng lên tiếng khẳng định quá trình sản xuất không dùng hóa chất và cho biết sẽ chịu mọi trách nhiệm liên quan đến sự cố.[49][137] Sau khi các vụ ngộ độc xảy ra, công ty đã chủ động hỗ trợ những bệnh nhân nằm viện,[138] ngoài ra còn huy động hơn 50 người gọi điện cho số khách hàng mua sản phẩm và nhắn tin cảnh báo 3 lượt cho những người dùng sản phẩm,[139] tuy nhiên đến ngày 9 tháng 9 năm 2020 vẫn còn 500 người chưa liên lạc được.[135]

Người tiêu dùng

Vụ việc đã gây nên bức xúc lớn trong dư luận và lo lắng cho người tiêu dùng.[140][141] Sau khi thông tin thu hồi sản phẩm pa tê Minh Chay được công bố, đã có những bình luận cho rằng cơ sở sản xuất bị đình chỉ từ 20 tháng 8 năm 2020 nhưng phải đến ngày 29 tháng 8 VFA mới phát đi cảnh báo là "bị động" và "quá chậm trễ".[23][44][142] Quy trình thu hồi sản phẩm cũng bị nhiều người dùng phản ánh là "chậm", không "đúng quy trình" và "đùn đẩy trách nhiệm" khi thông báo thu hồi đã được công bố 1 tháng nhưng số hộp thu hồi còn ít.[139][143][144] Cũng có tin đồn lan truyền rằng kết quả kiểm nghiệm đã có từ 20 tháng 8 năm 2020.[44] Một đại diện phía VFA đã giải thích rằng quá trình xử lý vụ việc được thực hiện "khi có đủ căn cứ pháp luật và cân bằng giữa lợi ích của người tiêu dùng, nhà sản xuất".[23][41] Phát ngôn này đã bị nhiều người chỉ trích vì cho rằng nhà chức trách không coi trọng sức khỏe của người dân.[99] Tuy nhiên quan điểm này sau đó bị chính cục phủ nhận, theo đó cho biết kết quả xét nghiệm mới có từ 28 tháng 8 năm 2020, đồng thời khẳng định "sức khỏe người tiêu dùng là tối thượng" và cho biết sẽ làm việc với các cơ quan chức năng để làm rõ động cơ phát tán thông tin trên.[1][43][44]

Việc vụ ngộ độc diễn ra trong thời điểm tháng lễ Vu-lan được cho là làm tăng nguy cơ ngộ độc tăng lên nhiều hơn.[23][125] Trước các vụ ngộ độc liên tiếp xảy ra, có ghi nhận cho biết số lượng người mua đồ chay, bên cạnh cỗ chay, đã giảm hẳn và họ chuyển sang ăn cỗ mặn cúng lễ Vu Lan.[145] Vụ việc cũng cho thấy sau nhiều nỗ lực của cộng đồng quốc tế và Việt Nam để cải thiện vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm trong nước, người dân dường như vẫn lo ngại vấn đề an toàn thực phẩm.[146]

Nhiều ca bệnh ngộ độc pa tê Minh Chay số tiền để chữa trị được ước tính đã lên tới hàng trăm triệu đồng, khiến nhiều bệnh nhân lâm vào cảnh nợ nần.[147][148] 3 tháng sau vụ việc, nhiều nạn nhân đã lên tiếng cáo buộc phía công ty Lối Sống Mới không hề có động thái gì với thiệt hại của người tiêu dùng sau khi sử dụng sản phẩm. Tuy nhiên, ông Ngọc Minh sau đó cho biết rằng đã đến thăm và hỗ trợ các gia đình nạn nhân "nhiều lần", tuy nhiên không phải đền bù tổn thất do cơ quan điều tra vẫn chưa có kết luận cuối cùng về sự việc, điều tra lỗi sai ở đâu, cũng như tiết lộ rằng phía công ty và nạn nhân từng thương lượng số tiền sẽ bồi thường, nhưng do không đi đến kết quả nên thống nhất sẽ chờ kết luận từ điều tra.[148]

Truyền thông

Nhiều tờ báo Việt Nam đã phê phán sự "vô tâm, vô ý" của nhà sản xuất, cũng như chỉ trích cách quản lý và trách nhiệm của cơ quan quản lý sản phẩm trong vụ việc,[149] ngoài ra còn liên hệ trường hợp với những vụ ngộ độc trên diện rộng khác trước đó từng xảy ra.[150][151][152] Một số trang báo khác thì vẽ những bức tranh biếm họa về vụ việc.[153][154][155] Các ý kiến chỉ ra sự bất cập trong cách quản lý của ba bộ và gọi đây là ""đá" trách nhiệm", "vô trách nhiệm",[39][156] "chồng chéo"[68][157] khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là nơi cấp phép lưu hành thực phẩm chay, nhưng tới lúc xảy ra các vụ ngộ độc thì Bộ Y tế là cơ quan xử lý vụ việc.[5][158]

Cây bút Ngọc Lâm đã viết cho tờ Tiền phong một bài viết với tựa đề "Người 'gác cổng' ở đâu?", theo đó bức xúc trước cách xử lý của các cơ quan chức năng trong vụ việc, cho rằng "họ gần như chỉ chạy theo và xử lý các sự việc đã rồi". Tác giả cũng nhận định đây là một "giọt nước tràn ly" trong dư luận trước thực trạng quản lý an toàn thực phẩm có quá nhiều bất cập và việc cấp phép thực phẩm tràn lan nhưng bỏ ngỏ công tác hậu kiểm.[126] Vào ngày 25 tháng 9, tức khoảng 1 tháng sau khi vụ việc xảy ra, báo Người lao động đăng một bài viết đặt dấu hỏi về trách nhiệm xử lý của cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ việc khi tính đến thời điểm bài viết đăng tải, ngoài việc xử phạt hành chính cơ sở sản xuất thì các cơ quan chức năng dường như chưa có thêm hành động pháp lý nào khác, theo đó đã khiến nhiều người dân lo lắng khi việc này sẽ dẫn tới chuyện "... để lâu hóa bùn", đồng thời bày tỏ thái độ mỉa mai với thái độ "giơ cao đánh khẽ" của cơ quan công quyền trước sự vụ và các vụ việc với tầm ảnh hưởng dư luận tương tự khác.[159]